Bút hiệu Nguyễn Ái Quốc Bút hiệu của Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc là danh hiệu được dùng ký đại diện cho Hội những người An Nam yêu nước (Association des Patriotes Annamites) trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple annamite). Văn bản này được gửi tới Hội nghị Versailles vào năm 1919 nhân khi các cường quốc đang nhóm họp. Nguyễn Ái Quốc cũng là cái tên mới mà Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) tự gọi mình, ít nhất kể từ tháng 9 năm 1919,[10] và sẽ sử dụng trong suốt 23 năm sau đó.

Nhận định của sử gia Việt Nam

Về tác giả và bút hiệu Nguyễn Ái Quốc của bản yêu sách trên, nhà sử học Dương Trung Quốc viết đó là: "một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp, được gọi là nhóm Ngũ Long[11] đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh và trẻ tuổi là Nguyễn Tất Thành cùng viết một văn bản gửi Hoà hội Versailles đưa ra 'Những yêu sách của người An Nam' và được ký bằng cái tên chung là "Nguyễn Ái Quốc"".[12]

Nhận định của sử gia ngoại quốc

Daniel Hémery cũng cho rằng "Nguyễn Ái Quốc" là bút hiệu chung của nhóm bốn người hoạt động tranh đấu cho dân quyền Việt Nam tại Pháp vào đầu thế kỷ 20, đó là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế TruyềnNguyễn Tất Thành.[13] Theo Sophie Quinn-Judge, căn cứ trên bản tiếng Pháp của yêu sách Revendications du peuple annamite (Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam) được đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo) ngày 18 tháng 6 năm 1919 thì luật sư Phan Văn Trường là người soạn.[9]. Vì ba ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền đã sinh hoạt tại Pháp khá lâu nên cả ba bị mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ nên không dám lộ diện. Riêng Nguyễn Tất Thành vì là người mới tới (từ Anh sang Pháp năm 1919) nên nhà chức trách ít cản trở hơn cả, lại được giao nhiệm vụ liên lạc với giới báo chí nên danh hiệu "Nguyễn Ái Quốc" sau này gắn liền với Nguyễn Tất Thành.[14]

Nguyễn Tất Thành là người đã đưa tận tay bản kiến nghị cho các thành viên chủ yếu của nghị viện và tổng thống Pháp, cũng như trao bản kiến nghị cho các đoàn đại biểu Đồng minh và sau đó tự gọi mình là Nguyễn Ái Quốc.[10] Theo William Duiker, nhà cầm quyền Pháp lần đầu biết đến cái tên "Nguyễn Ái Quốc" là ở bản yêu sách này. Tổng thống Pháp đã yêu cầu Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut xác định danh tính của người có tên Nguyễn Ái Quốc. Đến tháng 8 năm 1919, cùng bản yêu sách, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã được lan truyền rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam. Tháng 9 năm 1919, trong một cuộc phỏng vấn bởi phóng viên Mỹ của một tờ báo tiếng Hoa ở Paris, Nguyễn Tất Thành công khai nhận mình là Nguyễn Ái Quốc tuy vẫn giấu tên thật.[10] Theo báo cáo năm 1920 của Pierre Guesde cho Bộ thuộc địa, mật thám Pháp đã nhận dạng chính xác Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Tất Thành. Từ đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã được Nguyễn Tất Thành sử dụng trong suốt 30 năm sau đó[10].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bút hiệu của Hồ Chí Minh http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100903-phan-xv-p... http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9101&r... http://www.laodong.com.vn/Home/ldcuoituan/2007/9/5... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-... http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-... http://huc.edu.vn/chi-tiet/867/.html http://hudt.vn/chuyen-ke-ve-bac/3-bac-ho-voi-cu-ph... http://nvhtn.org.vn/suu-tam-ten-goi-bi-danh-va-but... http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tinh-uy-bi-mat-va-b...